Say
nắng là bệnh thường gặp mùa hè nắng nóng. Đông y thường gọi cảm nắng,
trúng nắng. Khi say nắng thường biểu hiện người nóng sốt, da ửng đỏ, đổ
mồ hôi, miệng khát, tiểu vàng ít, đau đầu chóng mặt, thở mệt tim đập
nhanh bệnh nặng có khi choáng ngất.
Bệnh thường gặp ở người hư nhược, dễ ra
mồ hôi, người có tiền sử bệnh ngoại cảm, tim mạch, huyết áp, đái tháo
đường. Nguyên nhân phần nhiều do làm việc, đi chơi ngoài nắng nóng lâu
mất nước. Phòng trị say nắng nên ăn uống bổ dưỡng giải nhiệt. Sau đây là
một số món ăn nước uống có tác dụng phòng trị say nắng:
Chè đậu ván: đậu 300g
ngâm nước nóng qua đêm bỏ vỏ ngoài, bột sắn dây 30g, lá dứa nếp 20g, giã
lọc lấy nước, đường cát vừa đủ nấu chè ăn. Tác dụng: bổ tỳ, lợi thấp
hòa trung, trị trúng nắng phát sốt người vật vã…
Chè đậu đen: đậu đen xanh lòng 300g, đường cát vừa đủ nấu chè ăn. Tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu…
Cháo đậu xanh: đậu xanh
200 - 300g còn nguyên vỏ, cà dập, nấu nhừ ăn cho thêm muối đường ăn.
Tác dụng: thanh nhiệt, giải khát, trừ phiền nhiệt, lợi ngũ tạng…
Canh cà chua: cà chua 2 - 3 trái, trứng gà 1 quả, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng: dưỡng âm, mát huyết, thanh nhiệt, giải nắng nóng…
Canh khoai mỡ: khoai mỡ tím 100g, thịt tôm lột 50g, rau ngổ 20g thêm bột nêm, mắm muối vừa đủ nấu canh ăn.
Canh giá đậu: giá đậu
200g, cà chua 1 quả, đậu hủ 30g, thịt heo 20g, hành hoa 10g gia vị mắm
muối vừa đủ nấu canh ăn. Cho thịt, cà chua vào xào chín thơm, đổ nước
vào đun sôi, đậu hủ, giá đỗ cho sau, thêm gia vị đun sôi trở lại là
được. Tác dụng: bổ âm, dưỡng huyết, thanh nhiệt, giải nắng nóng…
Canh rau thập tàng: rau
ngót, rau đay, mồng tơi, mảnh bát mỗi thứ 50g, thịt cua đồng 100g nấu
canh. Tác dụng: bổ âm, sinh tân dịch, thanh nhiệt, tiêu độc, giải thử
thấp...
Cháo bột sắn dây: bột
sắn 50g, gạo ngon 100g, thịt heo bằm 50g (cách nấu nấu cháo với thịt
chín, sau cho bột sắn gia vị vào sau). Tác dụng: bổ dưỡng, giải khát,
giải nóng.
Cháo mướp đắng: mướp
đắng 1 - 2 quả thái lát, cúc hoa 30g, gạo ngon 100g, thêm gia vị vừa đủ
nấu nhừ ăn cả cái lẫn nước. Tác dụng: thanh nhiệt, trừ phiền nhiệt, mát
huyết, sáng mắt…
Ngoài ra, có thể sử dụng một số nước
uống như: nước mía, nước dưa hấu, nước rau má, nước chanh, nước trái
khế, nước trà đường và các loại nước trái cây tươi đều tốt. Nếu còn đau
đầu nhiều dùng lá hương nhu, hoặc hoắc hương 100g rửa sạch giã nhỏ thêm
chén nước chín vắt lấy nước bỏ bã uống ngày vài lần. Nếu người vẫn nóng
sốt miệng khô khát dùng lá tre tươi 100g, vỏ dưa hấu 200g, gạo tẻ 100g
nấu nước uống.
Theo SK&ĐS
Chị thích ăn chè đậu đen và canh cà chua.
Trả lờiXóa