Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Củi đậu nấu hạt đậu





Đời Tam Quốc (220-264), Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.

Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm ti. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:
- Ta với mầy tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân hãy còn, mầy thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mầy nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.
Thực nói:
- Xin ra đề cho.
Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chém nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:
- Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ "Ngưu", "Đẩu", "Tường", "Trụy", "Tỉnh", "Tử" (trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết).

Thực đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:
"Hai tấm thân đi đường,
Trên đầu bốn khúc xương.
Gặp nhau tựa sườn núi,
Bỗng đâu nổi chiến trường.
Đôi bên đua sức mạnh,
Một địch lăn xuống hang.
Đâu phải thua kém sức,
Chẳng qua sự lỡ làng".

Nguyên Văn:
"Lưỡng nhục tề đạo hành,
Đầu thượng đới ao cốt.
Tương ngô do sơn hạ,
Huất khởi tương đường đột.
Nhị định bất câu cương,
Nhất nhục ngọa thổ quật.
Phi thị lực bất hư,
Thịnh khí bất tiết tất".

Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giật mình, nức nở khen. Phi lại hỏi:
- Bảy bước thành thơ, ta còn cho là chậm. Mầy có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?
Thực đáp:
- Xin ra đề cho.
Phi nói:
- Ta với mầy là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cũng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".
Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:
"Củi đậu đun hột đậu
Đậu trong nồi khóc kêu:
Cùng sinh trong một gốc,
Bức nhau chi đến điều".

Nguyên Văn:
"Chữ đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phẩu trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp".

Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu.

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Những lời răn của Hải Thượng Lãn Ông






"Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công...
"Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỉ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được...
"Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay. Cứu được một người thì khoa chân, múa tay cho mọi người biết) nhỡ có thất bại thì giấu đi. Thường người ta hay giấu các điều xấu của mình mà không đem sự thực nói với người khác. Riêng tôi dám nói là thoát khỏi những thói đó chăng, là vì tôi không theo con đường khoa cử nối dõi nghiệp nhà, chuyển hướng ra làm thuốc nên chỉ muốn hết sức làm những việc đáng làm, may ra khỏi hổ thẹn với đất trời, đâu dám e ngại sự chê khen, để phải hối hận với bổn phận...
"Nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. sống chết trong tay mình nắm, họa phúc trong tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà làm liều lĩnh học đòi cái nghề cao quí đó chăng".


8 tội người thầy thuốc cần tránh:
1.- Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương, đó là tội lười.
2.- Có bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ con bệnh nghèo túng không trả được vốn nên chỉ cho thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.
3.- Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham lam.
4.- Thấy bệnh dễ chữa nói dối là khó chữa, dọa người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.
5.- Thấy bệnh khó đáng lẽ nói thực rồi hết lòng cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng không biết thuốc, vả lại chưa chắc chắn đã thành công, không được hậu lời nên không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.
6.- Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình khi mắc bệnh phải nhờ đến mình liền nghĩ ra ý nghĩ oán thù không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.
7.- Thấy kẻ mồ côi goá bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói ốm đau cho là chữa mất công vô ích không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.
8.- Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.

Hải Thượng Lãn ông đã đề ra 9 điều dạy trong "Y huấn cách ngôn" để rănn dạy người thây thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị, thí dụ:
- Phàm người mời đi thăm bệnh, nên tùy bệnh kíp hay không mà sắp đặt thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hay nghèo hèn mà nơi đến trước, chỗ tới sau hoặc bốc thuốc lại phân biệt nơi hơn kém.
- Khi đến xem bệnh ở nhà nghèo túng, hay những người mồ côi, goá bụa hiếm hoi, càng nên chǎm sóc đặc biệt; vì những người giàu sang không lo không có người chữa; còn người nghèo hèn, thì không đủ sức đón được thày giỏi, vậy ta để tâm một chút, họ sẽ được sống một đời, còn những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho thuốc mà không có ăn, thì vẫn đi đến chỗ chết.
- Khi chữa bệnh cho ai khỏi rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì những người nhận của người khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giàu sang, tính khí thất thường mà mình cầu cạnh thường hay bị khinh rẻ. Còn việc tâng bốc người ta để cầu lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề thuốc là nghề thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch

Tuệ Tĩnh - người mở đầu nền y dược cổ truyền dân tộc



Tuệ Tĩnh (1330-?) được phong là ông tổ ngành dược VN và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền VN. Các bộ sách Nam Dược thần hiệuHồng Nghĩa tư giác y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học VN.
Nếu những kết quả nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học VN sau này không đưa thêm bằng chứng gì mới thì truyền thuyết địa phương và những công trình nghiên cứu chuyên môn khác cho phép khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần. Ông chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay).
Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.
Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở bên ấy, không rõ năm nào. Bia văn chỉ làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy.
Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ.
Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của ông thì Tuệ Tĩnh không những có vị trí trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học nữa.
Từ bao đời nay, giới y học VN và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế VN. Câu nói của ông: "Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt" biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và sinh cảnh, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ.
Ngay trong việc nghiên cứu dược liệu, ông cũng không chịu phụ thuộc vào cách sắp xếp của những sách nước ngoài. Chẳng hạn, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.
Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc.
Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần.
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc.
Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc VN. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cầm Giàng, có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:
Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang
.
Giáo sư VŨ NGỌC KHÁNH - ĐỖ THỊ HẢO (Báo Nhân Dân)

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

BÀI THUỐC NAM CHỮA BỆNH VIÊM MŨI CẤP TÍNH

Bài thuốc chữa viêm mũi cấp tính thường dẫn đến niêm mạc mũi sung huyết, chảy máu, sưng tấy, trong dân gian thường gọi là “trúng gió”, “cảm mạo”. Bệnh phát sinh quanh năm nhưng xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân, đây là loại bệnh thường hay gặp, bệnh này không chữa cũng tự khỏi nhưng nếu để tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến mạn tính.

Bộ phận của đường hô hấp bị cảm nhiễm cấp tính, Đông y gọi là “thương phong tị tắc”, đó là do sức đề kháng của cơ thể giảm sút, chức năng phòng vệ của niêm mạc mũi bị thương tổn khiến virut xâm nhập vào xoang mũi và gây bệnh.


Hoa Kim Ngân

1. Triệu chứng

Thời kỳ đầu: Xoang và họng khô, có cảm giác nóng, niêm mạc xoang mũi sung huyết, không chảy nước mũi, cơ thể mệt mỏi uể oải, chán ăn, thân nhiệt thất thường hoặc hơi cao.

Thời kỳ cấp tính: Sốt, tắc mũi, hắt hơi, xoang mũi chảy nước trong hoặc mủ, nói chuyện âm mũi nặng, nhạt miệng không khát, khứu giác giảm, niêm mạc xoang mũi sung huyết nặng, sưng tấy.

Thời kỳ hồi phục: Chảy nước mũi giảm dần, không có mủ, nói âm mũi nhẹ, sức khỏe khá hơn.

2. Một số nguyên nhân gây bệnh viêm mũi
Virut cảm cúm là nguyên nhân chính, có rất nhiều loại virut cúm gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể do một nguyên nhân nào đó bị giảm sút hoặc chức năng phòng vệ của niêm mạc mũi bị thương tổn, virut sẽ xâm nhập vào cơ thể sinh sôi nảy nở nhanh gây bệnh, và rất dễ tái phát.

3. Một số phương pháp điều trị viêm mũi
Điều trị viêm mũi cấp tính bằng phương pháp hít thuốc: Phương pháp này dùng mũi hít thuốc, còn gọi là “tị hấp pháp” hay “hấp tị pháp”, là phương pháp điều trị bằng cách hít thuốc hoặc hít mùi vị, hơi nước, khí, sau khi đã qua một số công đoạn điều chế. Sau đây là một vài phương pháp hít thuốc:

Tán bột: Nghiền thuốc thành bột, chứa trong bình kín. Khi dùng lấy ra một ít để vào lòng bàn tay hoặc bìa giấy cứng, dùng mũi hít bột thuốc vào trong mũi, hít vài lần cho đến khi hết thuốc.

Hấp khí:
Tán thành bột những vị thuốc có mùi thơm hoặc mùi vị đậm đặc sau đó đựng trong bình kín. Khi dùng, mở nắp bình, nhanh chóng đưa mũi vào sát miệng bình, hít mùi vị của thuốc, hít liên tục nhiều lần. Cũng có thể tán thuốc thành những hạt nhỏ bỏ vào túi đem theo cho tiện việc sử dụng.

Xông hơi:
Sắc thuốc bằng ấm hoặc bình có miệng, đưa sát mũi vào miệng bình hít hơi thuốc bốc lên.

Bài 1: Kinh giới 10g, phòng phong 10g, khương hoạt 10g, độc hoạt 10g, xuyên khung 6g, mộc lan 6g, gừng tươi 3 miếng.

Cách dùng: Sắc thuốc bằng nước, khi sôi hít hơi thuốc bốc lên, mỗi lần 30 phút, ngày hai lần, trong 3 ngày.

Bài 2: Hoa kim ngân 6g, hoa cúc 6g, lá dâu 10g, bạc hà 10g, liên kiều 6g.

Cách dùng: Chưng nước, dùng mũi hít hơi nước bốc lên, mỗi lần 30 phút, ngày 2 lần trong 3 ngày.

Bài 3:
Nga bất thực thảo 9g, bạc hà 9g, thanh đại 9g, tế tân 5g. Cách dùng: Tán bột, mỗi lần lấy một ít hít vào trong mũi.

Bài 4: Hạt thương nhĩ 30g, mộc lan 30g. Cách dùng: tán bột, ngâm trong rượu, hâm cách thủy, hít hơi thuốc bốc lên.

Điều trị viêm mũi cấp tính bằng phương pháp bôi thuốc:

Phương pháp dùng thuốc để bôi còn gọi là “đồ tị pháp” hay “chà tị pháp” là phương pháp phòng và trị bệnh bằng cách chế biến thuốc thành dạng keo lỏng bôi vào bên trong mũi. Mỗi ngày bôi vài lần, thuốc bôi trong mũi luôn trong trạng thái ẩm lỏng mới phát huy tác dụng tốt.

Bài 1: Ruột bấc trong thân cây (thông thảo) 3g, tế tân 3g, phụ tử 3g. Cách dùng: Tán bột, trộn đều, dùng bông bọc thuốc nhét vào trong mũi, chủ trị tắc mũi.

Bài 2: Hạnh nhân 0,6g, tiêu (ép lấy nước), phụ tử (gọt vỏ) 0,3g; tế tân 0,3g.

Cách dùng: Cắt nhỏ 4 vị thuốc, ngâm trong 0,1 lít giấm một đêm, sáng hôm sau sắc thuốc với 0,5 lít mỡ lợn, khi phụ tử chuyển màu vàng, thuốc đặc lại, đem gạn cặn để nguội, khi dùng bôi đều bên trong hốc mũi. Chủ trị trẻ em bị tắc mũi.

Bài 3: Mộc hương 15g, linh lăng hương 15g, tế tân 1g. Cách dùng: tán bột, lọc, trộn đều với 0,3 lít tinh chất sữa bơ, bỏ vào trong siêu đun nhỏ lửa đến khi có mùi thơm, gạn bỏ cặn, đựng trong bình sứ, bôi lên đầu và bên trong mũi ngày 3 lần, trị trẻ em tắc mũi, không bú được.

Bài 4: Trư nha tạo giác 9g, thiên nam tinh 9g, đậu đỏ 5g, hành củ.

Cách dùng:
Hành củ giã lấy nước, tán bột 3 vị thuốc trên, lấy nước hành bôi lên thóp đầu và lỗ mũi, đồng thời lấy bột bôi lên thóp, trị trẻ em thở gấp, không bú được, sốt, nghẹt mũi.

Điều trị viêm mũi cấp tính bằng trích dược liệu pháp: Là phương pháp nhỏ thuốc ở dạng chất lỏng vào mũi để trị bệnh, còn gọi là “trích tị pháp” hay “điểm tị pháp”.

Bài 1: Hành lá 7 cây, 1 giọt dầu bạc hà, dầu glyxerin.

Cách dùng: hành lá rửa sạch, để khô, cắt nhỏ, giã nát, dùng vải bố lọc lấy nước, thêm vào lượng dầu glyxerin tương đương và một giọt dầu bạc hà, đựng trong bình kín, lắc đều trước khi dùng, ngày nhỏ 3 lần.

Bài 2: Tật lê 30g.

Cách dùng: Giã nhỏ, sắc với nước, trị chứng chảy nước mũi, mất khứu giác.

Bài 3:
Bạch chỉ 1g, xuyên khung 1g, đương quy 1g, tế tân 1g, thông thảo 1g, quế tâm 1g.

Cách dùng: ngâm với rượu và giấm 1 đêm, dùng 1 lít mỡ lợn chiên cho đến khi bạch chỉ có màu vàng, khi thuốc đặc, gạn bỏ cặn, nhỏ dung dịch vào mũi hoặc dùng bông chấm thuốc nhét vào bên trong mũi, trị nghẹt mũi.

Bài 4: Cửu căn (rễ rau hẹ).

Cách dùng: giã lấy nước để lắng trong, nhỏ vào bên trong mũi, ngày 2 lần, trị trẻ em mũi khô nghẹt, sốt.

Bài 5: Hành tây 200g.

Cách dùng: rửa sạch bỏ vào cối, đổ khoảng một thìa nước sôi, giã nát lấy nước, nhỏ mũi ngày 3 lần, trị viêm mũi cấp tính, mạn tính.

Bài 6: Thương nhĩ tử 150g, mộc lan 150g, bạch chỉ 150g, ngân hoa 150g, liên kiều 150g, hoa cúc dại 150g, hoàng cầm 150g, đan bì 150g, nga bất thực thảo 150g, bạc hà 100g, tế tân 50g, lá khuynh diệp tươi 300g.

Cách dùng: Sắc các vị thuốc trên với nước, đựng trong lọ nhỏ thuốc, mỗi lọ 10ml, ngày nhỏ 3-5 lần, mỗi lần 2-3 giọt, lúc mới nhỏ có thể gây hắt hơi hoặc chảy nước mũi nhiều, khoảng 2-3 phút sau sẽ hết.


Theo SK&ĐS
 

12 BÀI THUỐC CHỮA TRỊ SỐT CAO BUỒN PHIỀN KHÁT NƯỚC

Các bài thuốc Nam dựa trên nguyên tắc quan trọng là bổ sung các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể khỏe mạnh và tiêu diệt các mầm bệnh. Các bài thuốc đơn giản, các món ăn dễ chế biến.

1. Cháo hẹ lá tre thạch cao
-  Chữa trị: Sốt cao (nhiệt độ cơ thể trên 39 độ C)
- Liều lượng dùng:
+ Dùng 200gam lá tre tươi, rửa sạch
+ 100gam thạch cao sống.
- Cho vào 500ml nước sắc kỹ lấy nước bỏ bã. Cho 100gam gạo tẻ, dùng nước vừa sắc, nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn 2-3 lần.
- Công hiệu: Hạ hỏa, giải khát, giải phiền, bổ phổi.
- Chú ý: Khi nào cơn sốt lui thì ngừng uống.


Quả lê
 
2. Nước giải khát ngũ vị.
- Chữa sốt cao.
- Liều lượng, cách dùng:
Nước quả lê, nước mã thày, nước ngó sen, nước rễ lau sậy, nước mạch môn đông (hoặc nước mía) lượng các thứ bằng nhau để lạnh quấy đều uống.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, khỏi khát

3.  Rau gan chó, đường phèn.
- Chủ trị:
Bệnh nhiệt và cảm cúm sốt cao.
- Liều lượng, cách dùng: Mỗi lần dùng 30-60gam rau gan chó, đường phèn vừa đủ. Sắc lấy nước uống thay nước chè.
- Công hiệu: Điều trị liên tục sẽ làm lui cơn sốt.

4. Sừng sơn dương hầm với cây Câu đằng
- Chữa trị:
Sốt cao.
- Liều lượng, cách dùng: Sừng sơn dương 30gam, cây câu đằng (cây song, cây mây) 6-10gam, cho nước vào sắc lấy nước uống.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, hết buồn phiền.

5. Bột sừng trâu.
- Chữa trị:
Sốt cao
- Bột sừng trâu sắc đặc lấy nước uống. Uống mỗi ngày 1,5 - 3gam, mỗi ngày uống 2 lần.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, cắt cơn ho.

6. Bột ngọc trai hoa sun-fat-nat-ri
- Chưa trị:
Sốt cao
- Liều lượng, cách dùng: Dùng 3 con trai, nghiền nhỏ, hãm vào 1 bát nước sôi, sau đó cho 10 gam sun-fat-nat-ri vào. Uống hết trong 1 lần.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, sinh huyết.
- Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.

7. Tằm, xác ve, ngân hoa.
- Chữa trị:
Sốt cao.
- Liều lượng, cách dùng: Dùng 9 con tằm, 3 gam xác ve nghiền thành bột. Lấy 15 gam ngân hoa, sắc lấy nước. Uống bột tằm, xác ve với ngân hoa. Nếu uống với nước sôi thì dùng với 10 gam tằm, 12 gam xác ve.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, mát phổi.

8. Cá chuối.
- Chữa trị:
Sốt cao.
- Liều lượng, cách dùng: Cá chuối làm sạch, bỏ mật, nấu chín ăn.
- Công hiệu: Thanh nhiệt, khỏi khát nước.

9. Mướp đắng, thịt lợn nạc.
-  Chữa trị:
Cảm nắng, khát nước.
- Liều lượng, cách dùng: Mỗi lần dùng 200 gam mướp đắng tươi, bỏ hột, thái miếng, thịt nạc 100 gam, thái miếng, cho nước vừa đủ, ninh nhừ, cho 1 ít muối. Ăn thịt, mướp đắng, uống hết nước.
- Công hiệu: Giảm nhiệt hạ sốt, tăng cường khí huyết, hết cơn khát.

10. Mướp hầm thịt nạc.
- Chữa trị:
Cảm nóng, khát nước.
- Liều lượng, cách dùng: Mỗi lần dùng 250 gam mướp cắt khúc, 200 gam thịt lợn nạc, thái nhỏ, cho nước vào vừa đủ, ninh nhừ, cho ít muốn, ăn vào 2 bữa cơm.
- Công hiệu: Nhuận tràng, giải khát, thanh nhiệt.

11. Đường tráng, bột củ ấu.
- Chữa trị:
Sốt nóng, háo nước.
- Liều lượng, cách dùng: Mỗi lần dùng 30-50 gam bột củ ấu, đường trắng vừa đủ. Nấu thành cháo hột. Ăn hết 1 lần.
- Công hiệu: Giảm nhiệt, hết cơn khát.

12. Bí đao, thịt lợn nạc
- Chữa trị:
Sốt nóng, hóa nước.
- Liều lượng, cách dùng: Mỗi lần dùng 1 khoanh bí đao (khoảng 250 gam) gọt vỏ ngoài, thái lát, thịt lợn nạc 100 gam thái miếng. Ninh nhừ, cho ít muối vào, ăn cả cái lẫn nước.
- Công hiệu: Giải nhiệt, sinh huyết, bổ tì, khỏi háo nước.

 
 

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

PHÒNG CHỮA BỆNH BẰNG GỐI NGỦ VỊ THUỐC



Gối ngủ là vật dụng không thể thiếu với mỗi người. Có những người thích dùng gối cao, có những người thích dùng gối thấp hoặc gối cứng, gối mềm, nhưng ít ai chú ý đến chất liệu làm gối có ảnh hưởng tốt hay xấu đến sức khỏe của mình. Với trẻ sơ sinh, với người già yếu, ốm đau bệnh tật thì chiếc gối là vật bất ly thân hàng ngày.

 Gối thuốc,  Phòng, chữa bệnh bằng gối thuốc, Thuoc nam, thuoc nam chua benh soi gan, soi than, soi mat, chua soi gan, chua soi mat, chua soi than
 
Thông thường, ruột gối hay độn bông gòn, vỏ đỗ, mút… Các chất liệu này có tính ấm, hợp với mùa lạnh, với người có chứng dương hư âm thịnh hay cảm thấy lạnh. Nhưng đến mùa hè, thời tiết nóng nực, nhất là đối với trẻ em thể chất thuần dương, khi cảm sốt hoặc người tăng huyết áp thì không nên dùng loại gối này. Khi ngủ, gối áp vào vùng chẩm gáy, đại não là nơi định vị của tim, phổi. Đầu là nơi hội tụ các kinh dương: thủ túc thái dương, thiếu dương và dương minh kinh. Mà bệnh tật thường hay phát sinh từ kinh dương, dương mạch. Vì vậy, tùy theo sức khỏe hay ốm đau bệnh tật, chúng ta có thể làm chiếc gối có vật liệu thích hợp:

- Gối độn hoa cúc: Hoa cúc phơi khô trong râm độn làm gối. Hoa cúc tính lạnh, thanh nhiệt làm hạ hỏa bốc lên đầu gáy nhức đầu, đỏ mắt, cao huyết áp, ngủ trằn trọc. Làm gối cho trẻ có tác dụng làm mát đầu, ổn định thần kinh, sáng mắt.

- Gối bằng vỏ hạt đậu xanh: Vỏ đậu phơi khô độn gối làm mát đầu, ngủ yên, thần kinh êm dịu, hạ huyết áp, bốc hỏa, nhức đầu, làm sáng mắt, tĩnh tai.

- Gối độn thông thảo: Thông thảo khô lượng vừa đủ để làm gối, thái thành sợi nhỏ, thiên ma 50g, độn làm gối. Tác dụng: chữa âm hư, can dương vượng gây cao huyết áp, nhức đầu chóng mặt, hoa mắt, suy nhược thần kinh.

- Gối độn bạch chỉ, lá hồng: bạch chỉ 200g, hoa cúc 750g, lá hồng tứ hồng 150g, độn làm gối. Tác dụng: trị tăng huyết áp, đau đầu, xơ cứng động mạch.

- Gối độn 4 vị thuốc bắc: Quy bản (mai rùa), Long cốt, Viễn chí, Thạch xương bồ, lượng bằng nhau độn làm gối.

Tác dụng: Trị tâm hay sợ, hồi hộp bất an, trấn tĩnh thần kinh, nâng cao khả năng miễn dịch, tăng trí nhớ, chữa chứng kinh giản, ra mồ hôi trộm, ngủ mơ màng mộng mị, đầu váng mắt hoa, thông các khiếu, sáng mắt, thính tai.

- Gối bạc hà hoắc hương: Bạc hà, Hoắc hương khô lượng bằng nhau độn làm gối có mùi thơm giúp dễ ngủ.

- Gối độn viễn chí, hoa cúc, bạch chỉ: Viễn chí 150g, bạch chỉ 200g, hoa cúc 750g độn làm gối. Tác dụng: an thần, ích trí, trị mất ngủ, trí nhớ giảm sút, hay giật mình, đau đầu, hay quên.

- Gối Lô hội, Bạch chỉ, Hoa cúc: Lô hội (nha đam) 200g, Hoa cúc 750g, Bạch chỉ 200g, tất cả nghiền nhỏ, cho vào túi vải rồi độn gối.

Tác dụng: Chữa tắc mạch máu não. Gối đầu lâu sẽ giảm hoặc hết bệnh.

- Gối phòng, chữa chảy máu não: Hoa cúc 750g, Bạch chỉ 200g, lá Hồng tứ hồng 150g, Cành dâu (dùng nhánh nhỏ phơi trong mát cho khô) 150g, cho tất cả vào túi vải độn gối, nằm lâu sẽ khỏi bệnh.


Lương y Minh Chánh


TAGThuốc chữa đau Dạ dày  |  Thuốc chữa sỏi thận  |  Thuốc chữa sỏi mật  |  Thuốc chữa sỏi Gan  |  Bài thuốc hay  |  Linh chi rừng cắt lát  |  Cỏ ngọt  |  Khổ sâm cho lá |  Hoa Kim ngân  |  Tầm gửi  |  Chè vằng  |  Bán chi liên  |  Mật nhân khô  |  Lá sen khô  |  Dứa dại  |  Bạch hoa xà thiệt thảo  |  Cà gai leo khô  |  Bột nghệ đen  |  Bột nghệ vàng  |  Cây lạc tiên  |  Diệp hạ châu  |  Kim tiền thảo  |  Dâm dương hoắc  |  Ba kích tím  |  Lá cây xạ đen  |  Cây xạ đen  |  Lá tắm của người Dao đỏ  |  Lá Atiso  |  Hoa Atiso  |  Hà thủ ô  |  Hạt chuối rừng  |  Cây lá gan  |  Bồ công Anh  |  Hoa Tam Thất  |  Cây mật gấu  |  Giảo cổ Lam  |  Nụ hoa Tam thất khô