Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Bí ẩn bùa yêu ở xứ Mường



Trai gái từ ghét nhau có thể trở nên yêu thương nhau, chỉ với vài câu bùa chú có thể gọi được người cách hàng nghìn cây số trở về nhà… Xưa nay, xứ Mường vẫn đồn đại những câu chuyện nửa thực nửa hư như thế…
Xứ Mường xưa nay vẫn nổi tiếng với những câu chuyện về bùa ngải mà ly kỳ nhất là chuyện làm bùa yêu. Hai vợ chồng sống với nhau có trục trặc cũng đến nhờ thầy hàn gắn hay chẳng hạn trai gái chưa ưng nhau, nhờ thầy làm bùa “mần” vào nắm muối, củ gừng, cái lược là quấn quít không rời. Người đang yêu chết mê chết mệt thầy cũng chỉ cần “mần” là “ai đi đường nấy ngay”. Thậm chí, người ở cách xa hàng nghìn cây số thầy chỉ cần lẩm bẩm vài câu chú là tức tốc trở về…
Có người thì khẳng định như đinh đóng cột là có thật, có kẻ nghe xong thì phán chỉ là chuyện hoang đường, do thêu dệt mà ra… Trải qua nhiều năm, bức màn bí ẩn xung quanh những câu chuyện bùa chú ngày càng phủ dày thêm.

Bàn thờ và những vật dụng làm bùa chú của các thầy người Mường.
Trong buổi chiều nắng gay gắt, nhân chuyến công tác qua Lạc Sơn, Hòa Bình, một huyện vốn nổi tiếng về bùa ngải xứ Mường, chúng tôi tìm đến UBND xã Yên Phú để tìm hiểu về chuyện làm bùa. Vốn chẳng mấy tin vào mấy chuyện ma quái thần thánh nhưng phần để thoả trí tò mò, phần thì cố gắng tìm hiểu phần nào hư thực xung quanh bức màn bí ẩn ấy.

Tiếp chúng tôi, ông Bùi Văn Đức, chủ tịch UBND Xã Yên Phú vừa nhấp ngụm trà vừa cười khề khà nói: “Tôi năm nay cũng hơn 40 tuổi rồi, nhưng thú thật những câu chuyện bùa ngải cũng mới chỉ được nghe ông bà kể lại chứ cũng chả được dịp chứng kiến hư thực ra sao.
Chỉ nghe bà con truyền tai nhau nằm miết trên núi của xóm Thung có ông thầy làm bùa giỏi ghê lắm. Khắp làng xã, thậm chí tỉnh khác cũng tìm về nhờ thầy giúp. Nếu chị muốn tìm hiểu tôi có thể cho người dẫn đi. Nhưng không chắc là ông ấy có tiếp chuyện nhà báo không. Chuyện làm bùa ngải người ta kín tiếng lắm”.
Nói rồi ông Đức quay ra gọi với ra ngoài: “Anh Hải ơi, lại tôi nhờ cái”. Ông Bùi Văn Hải được giới thiệu là Phó chủ tịch, phụ trách văn hóa xã, là người có dáng người mảnh khảnh, tóc muối tiêu, đặc biệt cách nói chuyện rất hóm hỉnh.
Vừa nghe chúng tôi bày tỏ ý định muốn tìm hiểu về chuyện bùa chú, ông đã cười ha hả, vỗ tay đồm độp: “Cái ông Tản trên xóm Thung ấy, cũng là chỗ thông gia với tôi. Cả làng cả xã này người ta vẫn bảo ông ấy là thầy bùa tài nhất. Chả biết phải không nhưng hiện giờ ông ấy đang sống với vợ hai trên đỉnh núi Thung, kém tới hơn 20 tuổi. Người ta bảo là do ông ấy đặt cái quần của mình lên quần của bà ấy rồi bà ta cứ thế theo về đấy…”.
“Chú dẫn chúng cháu lên gặp thầy Tản nhé”, tôi nói chen vào, không giấu vẻ hứng khởi. Ông Hải xua tay: “Đi bộ xa, trời lại nắng thế này leo núi vất lắm, tôi e phóng viên không lên nổi”. Nhưng thấy tôi cứ khăng khăng xin đi ông Hải đành gật đầu đồng ý kèm theo lời dọa đùa: “Đi nửa đường không được đòi xuống nhé. Mà nếu thầy Tản “ưng” cô bỏ bùa bắt cô làm vợ tôi không chịu trách nhiệm đâu nhá”. Tôi gật đầu quả quyết, chưa từng tin có chuyện bùa ngải nhưng thú thật cũng thấy… hơi lo.
Bỏ lại đồ đạc xe cộ, chỉ mang theo cuốn sổ tay, chúng tôi hăm hở bước theo ông Hải diện kiến “cao thủ bùa ngải xứ Mường”.
Chú Móng - "hoa tiêu" của chúng tôi.
Con đường lên núi tìm đến nhà thầy Tản là một dải đất nhỏ quanh co, ôm lấy sườn núi. Trời mới mưa nên đường hãy còn lầy lội lắm. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút, chúng tôi vừa đi vừa phải vịn lấy những tảng đá hai bên đường hay tóm lấy đám cỏ dại, nhấc chân từng bước một sợ bước hụt là đi tong như chơi.

Con đường núi dốc dựng đứng, thi thoảng lại bị đá tảng chèn ngang đường nên quãng đường gần 4 km mà tưởng chừng như vô tận. Có đoạn cây cối rậm rạp đan vào nhau thành những đoạn hang tối mù mịt. Mồ hôi đầm đìa ướt nhẹp cả áo, chúng tôi ai nấy đều thấm mệt, vừa đi vừa thở hổn hển. Chốc chốc, chú Hải lại phải quay lại chờ, nhắc nhở chúng tôi đi cẩn thận.
Rồi chú quay sang tôi trách đùa: “Mới đi có thế đã mệt thế này rồi. Tìm đến nhà thầy Tản đa phần là nữ thôi, tuần nào cũng có 7, 8 người từ khắp nơi đổ về tìm thầy. Có bà 50 tuổi vượt hàng trăm cây số từ Hà Nội lên, béo ục ịch còn phăng phăng tìm đến nhà thầy 4, 5 bận ấy chứ. ”.
Chẳng biết hư thực thế nào, chứ 4, 5 bận vượt quãng đường núi non hiểm trở thế này để xin bùa hàn gắn gia đình thì hẳn những người tìm đến đây phải quyết tâm lắm. Nếu không yêu chồng tha thiết, nếu không cố gắng níu giữ hạnh phúc gia đình thì chẳng thể nào làm được như thế. Rồi những bận leo lên, trèo xuống cả chục cây số, người ta có thời gian nhìn lại câu chuyện của chính mình mà sáng suốt có những cách cư xử thấu đáo nhất, tôi trộm nghĩ, đó là thứ bùa linh thiêng nhất rồi.
Đang đi thì chú Hải dừng lại chỉ tay: “Kia kìa, cái nhà sàn đó đấy. Tới nơi rồi”.
  Diện kiến "cao thủ bùa yêu xứ Mường"
Ông Quách Văn Tản được coi là một trong những “cao thủ” tài ba nhất ở xứ Mường ở Hòa Bình. Theo lời ông, gần 20 năm qua ông đã giúp hàn gắn hàng trăm gia đình quanh bản, những người ở nơi khác tìm về thì không kể siết…

Nhìn theo tay của chú Hải, người dẫn đường của chúng tôi, ngôi nhà sàn đơn sơ nằm chênh vênh trên dãy núi sừng sững dần hiện ra. Lúc chúng tôi đến thì ông Tản đang loay hoay kiểm tra những tổ ong rừng trước cửa nhà. Thấy có người lạ ông dừng tay, ngẩng mặt gật đầu chào chúng tôi.

Hai người đàn ông trao đổi qua lại bằng những câu tiếng Mường mà tôi chỉ bập bẹ hiểu đôi ba câu. Nói đoạn, ông Tản tươi cười mời chúng tôi lên nhà, đến lúc đó tôi mới nhìn rõ khuôn mặt người đàn ông gắn với nhiều giai thoại và lời đồn đại này.

Ông tên thật là Quách Văn Tản, là người gốc ở xóm Thung, Yên Phú. Đã bước sang tuổi 60 mà nom ông Tản còn trẻ lắm. Thân hình rắn rỏi, nước da trắng và dáng người mảnh khảnh, mái tóc cũng chỉ điểm vài sợi bạc. Nếu không nói hẳn người đối diện khó đoán biết được tuổi thật của ông
 .

Chân dung "cao thủ bùa yêu" xứ Mường



Thấy chúng tôi thực tình muốn tìm hiểu, lại được sự giới thiệu của ông thông gia vì thế sau khi nhâm nhi chén rượu pha mật ong rừng, ông Tản khề khà kể tường tận về cái cơ duyên đưa ông đến với “nghiệp thầy bùa”.

Làm thầy bùa nhờ… nằm mơ

Cầm cái ống điếu cày dài cả mét, ông Đản rít 3, 4 hơi dài nhả khói, lim dim kể: “Bố mẹ, ông bà tôi chưa có ai là thầy bùa cả. Trước đây tôi cũng là người bình thường như ông Hải đây. Cũng là dân lao động, lên rừng kiếm củ khoai, củ sắn, trồng cây ngô làm kế sinh nhai như bao người dân bản khác.

Đến năm tôi khoảng hơn 40 tuổi, thằng con trai thứ khi ấy ốm liệt giường, chạy chữa thuốc thang mãi chưa khỏi. Một đêm đang ngủ thì nằm mơ thấy một người già hiện lên bảo: Phải làm một bàn thờ, sau người phù hộ cho gia đình êm ấm, con cái khỏe mạnh. Người già ấy nhìn không rõ mặt nhưng giọng nói thì sang sảng, nghe rõ mồn một từng lời.

Tỉnh dậy tôi có kể cho vợ nghe nhưng vốn trước đó chưa từng tin vào những chuyện ma quái, bùa ngải, thần thánh nên chỉ xem đấy như một giấc mơ bình thường. Tuy nhiên, càng ngày thì giọng nói của người già càng nhiều. Ngay cả những lúc thiu thiu ngủ, hay thậm chí nằm chợp mắt buổi trưa cũng nghe văng vẳng lời truyền bên tai. Thậm chí, Người đứng ở đầu giường ấy, bảo không làm theo lời Người bảo sẽ bị đánh. Đến độ, ít lâu sau đó tôi bị điếc và cứng hàm không nói được.

Đến lúc này sợ quá mới lập bàn thờ ở góc nhà theo như lời chỉ dạy của người già. Sau đó thì con trai khỏi bệnh, bản thân tôi cũng nghe rõ hơn, không bị cứng hàm nữa mà người cũng khỏe khoắn hẳn ra.

Những bài khấn làm bùa về sau này cũng là do người già đọc cho, tỉnh dậy cứ thế mà khấn lâu dần thành quen".

“Mần” vào củ gừng, nắm muối… hàn gắn hàng nghìn gia đình

Bàn thờ “linh thiêng” theo lời thầy Tản, đặt ở góc nhà là một chiếc bàn gỗ cũ kỹ cao chừng thắt lưng người. Bên trên phủ chiếc chiếu hoa, trên cùng đặt hai bát hương, mấy chai rượu, cái quạt, cây nến…

Ông Tản trong trang phục thầy bùa
Theo thầy Tản, người đến xin bùa làm mâm cơm (tiền đặt lễ, chai rượu, đĩa xôi, con gà hoặc thịt lợn) thành tâm quỳ trước bàn thờ, thầy sẽ khấn rồi “mần” vào củ gừng, nắm muối, cái khăn… Tùy theo mức độ… khó dễ mà người xin bùa phải lên thỉnh thày 2, 3, hay 4 bận.

Sau đó, người xin bùa khi đến gặp người mình muốn “bỏ bùa” cứ mang theo bên mình là được. Người nào chồng chán chồng chê, chồng sẽ lại yêu thắm thiết. Người nào theo đuổi mãi cô gái không đồng ý, dắt bùa theo người là cô gái kia phải yêu mê mệt. Người nào chán chồng, người nào muốn bỏ vợ cũng nhờ đến thầy, thầy mần cho là đường ai nấy đi…

Câu chuyện đầy chất hoang đường, khó tin, ấy vậy mà theo thầy Tản, mỗi năm có đến 200-300 lượt người tìm đến nhà thầy xin bùa chú. Tính nguyên trong bản thầy cũng hàn gắn cả trăm gia đình (điều này ông Hải cũng gật gù xác nhận), những người ở tỉnh xa như Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây (cũ), thậm chí cả Đắk Lắk, TP. HCM… cũng tìm về nhờ thầy giúp.

“Có ngày 4, 5 người cùng tìm đến một lúc, ngay như hôm qua cũng có người từ Hà Nội về. Bà này 45 tuổi, là giáo viên đấy, nghe bảo chồng đi theo người khác đến nhờ tôi làm bùa yêu để chồng bỏ cô gái kia mà về với gia đình. Lên đây là lần thứ 3 rồi. Nếu có chép tên tuổi những người tìm đến em cả cuốn sổ dày trăm trang cũng không đủ. Ngày lễ ngày Tết người ta cứ nườm nượp tìm về cảm ơn…”, ông Tản kể không giấu vẻ tự hào.

Tuy nhiên, thầy Tản cũng thừa nhận không phải ai thầy cũng làm bùa thành công. Người nào không hợp mệnh thầy thì khó lòng mà thành được, thầy bảo 10 người cũng chỉ được… 8, 9.

Tôi hỏi đùa: “Có phải thầy cũng dùng bùa để làm bà Hai mê không. Bà ấy vừa trẻ vừa đẹp lại kém thầy tới 20 tuổi…”. Thầy Tản nhấp thêm chén rượu cười khà khà, còn bà Hai ngồi bên cạnh thì đỏ mặt cười ỏn ẻn: “Ừ đấy, ông ý bỏ bùa mê tôi đấy…”. Lúc bà Hai vừa đi khuất ông Tản thì thầm nói chỉ đủ cho chúng tôi nghe: “Bà ấy thì chẳng phải bỏ bùa đâu, thương nhau thì đến với nhau thôi. Nhưng cũng còn 2, 3 bà nữa, phải giấu chứ, các bà ấy mà biết là ghen ầm ầm…”.

Khi chúng tôi xin phép ông Tản ra về, trời cũng đã nhá nhem tối, ánh trăng rằm chênh chếch soi đường. Suốt đoạn đường xuống núi, chúng tôi không ai nói với ai câu nào, ước đoán mỗi người đều theo đuổi suy nghĩ riêng của mình trước câu chuyện khó tin, nhiều tình tiết mê tín của ông Tản. 


Riêng bản thân tôi, vốn không mấy tin vào những chuyện thần thánh ma quái như vậy. Nhưng dẫu sao vẫn phải thừa nhận rằng, bùa ngải nếu nhìn một cách tích cực thì đó là nét văn hóa của nhiều dân tộc, thể hiện ước mơ hạnh phúc. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng nó để hoạt động mê tín dị đoan, gây dư luận không tốt cho xã hội.


--------------------------------------------oOo------------------------------------------theo www.thuocnamviet.com

A Tú  -   0986 796 990  -  Chuyên đặc trị Sỏi gan, Sỏi mật, Sỏi thận - Chữa Viêm loét dạ dày. Bằng thuốc nam gia truyền Dân tộc Tày. Thuốc được bào chế từ các loại Biệt dược, thảo dược quý hiếm từ thiên nhiên, không gây nóng, Không gây tác dụng phụ. Đảm bảo khỏi 100% trong vòng 1 tháng - Đặc biệt mỗi tuần uống 1 lần.

MA ĐÌNH TÚ (A TÚ) Đ/C: Khu 7, Thôn Ngọc Lâu, Xã Hà Lộc, Thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ
Tài khoản: 2701 2050 29543 Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn Thị Xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ

4 nhận xét:

  1. Hay quá nhỉ!
    Chị muốn xin một cái bùa...ghét!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ghét ai dữ rứa cô PL? suy nghi kỹ di, xài bùa ghét rồi lại thương là ko có thuốc giải đâu..é é é

      Xóa
  2. thăm A Tú đây. Hi, Điếc bận quá chưa sửa sang nhà cửa và có dịp ghé thăm anh em Blog. Chúc bạn có nhiều bà viết hay và bổ ích cho mọi người

    Trả lờiXóa